Tin Thuế Mới 

Tin tuc thue,thue tndn,thue tncn,thue gtgt,thue khac,quyet toan thue

 

Tin Tức Kế Toán

Tin tuc ke toan, hoc ke toan, nghien cuu ke toan, he thong ke toan

Sửa đổi Luật Thuế GTGT và TNDN: Ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội(10/11/2009) In E-mail



Sửa đổi Luật Thuế GTGT và TNDN:
Ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội


      Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Sau gần một năm triển khai thực hiện, các luật mới đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, diễn biến gần đây cho thấy, mặc dù đã xuất hiện những triển vọng khả quan nhưng trong nội tại của nền kinh tế đã và đang phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết trong mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, cũng như bài toán hiệu quả trong chính sách thu hút đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trước đòi hỏi của thực tiễn, Chính phủ đã chọn lọc để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN tại kỳ họp thứ 6, theo đó hai mục tiêu lớn cần gấp rút thực hiện bao gồm:

 Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội

 Trên phương diện quản lý vĩ mô, nhà ở là một vấn đề lớn của toàn xã hội, do đó chính sách phát triển nhà ở đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, thể chế hoá tại Luật Nhà ở (số 56/2005/QH 11 ngày 29/11/2005), trong đó Nhà nước chịu trách nhiệm cao nhất đối với nhà ở xã hội. Theo quy định tại Điều 53 và 54 của Luật Nhà ở thì các đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội rất rộng, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ. Trong các đối tượng này thì học sinh, sinh viên (gọi chung là sinh viên) các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề (gọi chung là cơ sở đào tạo) là những người khó khăn nhất. Tiếp đến là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao (gọi chung là KCN) và những người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhất là khi khoản tiền thuê nhà chiếm tỷ trọng cao so với thu nhập cũng như nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống.

Đối với nhu cầu thuê nhà ở của sinh viên, hiện nay nước ta có khoảng gần 400 trường đại học và cao đẳng, theo dự báo đến năm 2015, quy mô đào tạo của cả mạng lưới đạt khoảng 3,0 triệu người (chưa kể số học sinh, sinh viên của các trường dạy nghề chuyên nghiệp) và đến năm 2020 là 4,5 triệu người. Mục tiêu phấn đấu của Đảng, Nhà nước đến hết năm 2010 sẽ bố trí cho khoảng 60% tổng số sinh viên dài hạn tập trung có nhu cầu nội trú được ở trong ký túc xá, với diện tích bình quân khoảng 3 m2/sinh viên . Tuy nhiên, ký túc xá hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 20%, nếu so với tổng số sinh viên có nhu cầu  chỗ ở thì tỷ lệ % thực tế sẽ còn thấp hơn rất nhiều.

Về nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc trong các KCN, tính đến tháng 6/2009, trên cả nước đã có 228 KCN được thành lập và hoạt động, thu hút được khoảng trên 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,2-1,5 triệu lao động gián tiếp. Cũng giống như khối sinh viên, chỗ ở ổn định hiện nay tại các KCN mới chỉ đáp ứng cho khoảng 20% nhu cầu của công nhân, còn lại 80% lao động địa phương đang ở tạm với gia đình hoặc đang phải thuê chỗ ở tạm. Nhiều công nhân đang làm việc tại các KCN trên cả nước phải thuê nhà trong các khu dân cư xung quanh KCN với giá thuê từ 50.000 - 150.000 đồng/người/tháng nhưng điều kiện sống cũng không đảm bảo.

Về nhu cầu nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, theo số liệu khảo sát của Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước hiện nay mới có khoảng 2/3 số cán bộ, công chức, chủ yếu là những người sống tại khu vực ngoài đô thị đã tự lo được nhà ở; 1/3 số còn lại (chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn) chưa có chỗ ở ổn định với điều kiện hết sức khó khăn như phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm, diện tích chất hẹp. Đối với số ít cán bộ, công chức được phân phối nhà chung cư trước đây thì đại bộ phận nhà có chất lượng thấp, đã và đang xuống cấp. Tại khu vực đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình đang rất khó khăn về nhà ở, chủ yếu tập trung vào các gia đình có thu nhập thấp. Trong số những hộ đã có nhà ở cũng chỉ có khoảng trên 30% hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36 m2 và 19% số gia đình sống trong những căn nhà không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu.

Theo quy định của Luật Nhà ở thì Nhà nước có chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính, tín dụng; về nghiên cứu ứng dụng công nghệ và vật liệu xây dựng mới; về thị trường bất động sản nhà ở và thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật. Cùng với việc chủ động bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua, phục vụ nhu cầu điều động, luân chuyển cán bộ, công chức; có chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với một số đối tượng thuộc diện chính sách xã hội cải thiện nhà ở,... Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp và các tầng lớp dân cư trong xã hội (gọi tắt là nhà ở xã hội).

Năm 2009, khi nền kinh tế gặp khó khăn, vấn đề nhà ở xã hội càng trở nên bức thiết hơn. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 65, 66 và 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg ngày 22/7/2009), theo đó, chỉ đạo các địa phương ưu tiên dành quỹ đất cho các dự án phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân KCN và người có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở; hỗ trợ các chủ đầu tư kinh phí giải phóng mặt bằng, chi phí thiết kế mẫu, được vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất, bố trí vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên,... Thực hiện miễn thuế TNDN năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở để cho thuê đối với sinh viên trong các cơ sở đào tạo, công nhân làm việc trong các KCN; miễn thuế TNDN của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động có thu nhập thấp. Đồng thời thực hiện giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT đối với nhà ở để cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động làm việc trong các KCN và người có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở thuê, cho thuê, mua hoặc bán.

Tuy nhiên, phù hợp với thẩm quyền theo luật định, các giải pháp về miễn, giảm thuế của Chính phủ chỉ thực hiện trong năm 2009, do đó chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nhà ở xã hội, trong khi việc triển khai các dự án xây dựng nhà ở yêu cầu vốn lớn, có thời gian đầu tư và thu hồi vốn dài. Thực tế cho thấy, việc giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng chính sách nhằm đẩy mạnh giải quyết vấn đề an sinh xã hội mang tính dài hạn, do đó cần có cơ chế khuyến khích mạnh hơn, thiết thực hơn để các DN tham gia cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời cũng rất cần có chính sách tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp, học sinh sinh viên, công nhân,... có chỗ ở ổn định với mức giá thuê, thuê mua phù hợp, góp phần tạo điều kiện giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung các giải pháp ưu đãi thuế mang tính ổn định, dài hạn, đồng thời cần công bố sớm và ổn định chính sách ưu đãi của Nhà nước để các DN yên tâm tính toán, lựa chọn phương án tham gia đầu tư. Đó cũng chính là mục tiêu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN.

Theo đó, Ban soạn thảo đề xuất áp dụng thuế GTGT ở mức thấp nhất: Theo quy định tại Điều 8 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 thì mức thuế suất thuế GTGT 0% được áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; mức 5% chỉ dành cho các sản phẩm là đầu vào của sản xuất nông nghiệp và một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có tính chất thiết yếu đối với người dân; các hàng hóa, dịch vụ còn lại áp dụng ở mức 10%. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê trong đó có các đối tượng sinh viên trong các cơ sở đào tạo, công nhân làm việc tại các KCN và người có thu nhập thấp thuộc diện chịu thuế GTGT 10%.

Tuy nhiên, nếu thực hiện mức ưu đãi cao nhất cho các dự án nhà ở cho sinh viên, công nhân KCN, người thu nhập thấp thì cũng không thể xếp vào nhóm thuế suất 0%, bởi theo quy định của Luật Thuế GTGT, thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, DN có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu không phải nộp thuế GTGT khi xuất khẩu đồng thời được khấu trừ hoặc hoàn lại toàn bộ số thuế GTGT đầu vào. Quy định này giúp cho DN xuất khẩu có điều kiện giảm giá hàng xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, khi tất cả các nước đều áp dụng theo nguyên tắc người tiêu dùng cuối cùng nộp thuế GTGT để đảm bảo nguyên tắc không thu trùng thuế.

Từ những phân tích khoa học, Ban soạn thảo trình Quốc hội cho áp dụng mức thuế suất thấp nhất là 5% đối với nhà ở để cho thuê hoặc bán cho các đối tượng là sinh viên trong các cơ sở đào tạo, công nhân làm việc tại các KCN và người có thu nhập thấp. Nếu được Quốc hội chấp thuận thì DN là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ được khấu trừ thuế đầu vào nên không ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các đối tượng thuê hoặc mua nhà, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi khác (được hỗ trợ về tài chính dưới hình thức trả chậm, được vay vốn ưu đãi,...) còn có thêm cơ hội sớm có nhà ở thông qua việc mua hoặc thuê nhà với giá thấp do mức thuế suất 5% cùng với việc không tính các khoản ưu đãi về đất đai, ưu đãi thuế TNDN trong cơ cấu giá thuê hoặc giá thuê mua nhà xã hội.

Về thuế TNDN, theo quy định của Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 thì mức ưu đãi cao nhất, gồm áp dụng thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế tối đa 9 năm tiếp theo chỉ được áp dụng đối với các DN thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; DN thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường. Do đó, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở nếu đầu tư tại các địa bàn khác không thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Mặc dù đã có quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về việc công nhận cho DN được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế khoản chi về nhà ở cho người lao động (dưới hình thức khấu hao nhà do DN tự đầu tư hoặc khoản chi thuê nhà ở tập thể cho người lao động trong các KCN tập trung) nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự khuyến khích DN tham gia. Trong khi đó, với các chủ trương chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở thì hoàn toàn có thể coi hoạt động của DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu được thuê, thuê mua của các đối tượng trên thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội hoá và cần được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo khuôn khổ Luật Thuế TNDN hiện hành. Do đó, vấn đề cốt lõi cần xin ý kiến Quốc hội là chấp thuận cho các DN, kể cả DN mới thành lập và đang hoạt động có điều kiện, có tiềm lực, sẵn sàng đầu tư vào nhà ở xã hội, nếu tuân thủ các điều kiện quy định và hạch toán riêng được thu nhập của từng hoạt động từ dự án thì được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất (thuế suất 10% trong suốt thời hạn, miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế tối đa 9 năm tiếp theo) đối với thu nhập từ dự án đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn

Trước đây, DN đang hoạt động thực hiện đầu tư mở rộng theo các hình thức mà thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư thì phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng được miễn, giảm thuế tuỳ thuộc địa bàn, lĩnh vực đầu tư. Kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Thuế TNDN số 14/2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 thì các ưu đãi về thuế TNDN đã được sắp xếp lại trên nguyên tắc tăng tính minh bạch, thu gọn ưu đãi, tránh lợi dụng; theo đó, chỉ áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng dưới hình thức hình thành pháp nhân mới độc lập (lập ra DN mới) thực hiện tại địa bàn hoặc, lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Những trường hợp đầu tư mở rộng mà không hình thành pháp nhân mới thì không còn được ưu đãi thuế TNDN như trước.

Trong thực tế gần một năm thực hiện cho thấy, có nhiều trường hợp DN đang hoạt động thực hiện đầu tư mở rộng dưới hình thức lập ra một phân xưởng sản xuất mới, một dây chuyền sản xuất mới (dây chuyền sản xuất xi măng, tổ máy phát điện...), cơ sở sản xuất kinh doanh mới nhưng hạch toán phụ thuộc. Đây là một xu thế tất yếu khi DN triển khai thực hiện việc tổ chức lại, tái cấu trúc DN theo nguyên tắc hiệu quả. Mặt khác, hiện nay và trong nhiều năm tới, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN đẩy mạnh đầu tư vào các vùng khó khăn cùng với việc di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi các đô thị, khu dân cư tập trung. Theo ý kiến của nhiều DN và các chuyên gia nghiên cứu kinh tế thì trong những trường hợp lập ra các cơ sở hạch toán phụ thuộc như trên mà không nhất thiết phải hình thành pháp nhân mới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội nhiều hơn, ít nhất là tiết kiệm được chi phí cho bộ máy điều hành, trong khi hiệu quả quản lý điều hành sẽ tốt hơn. Xét trên phương diện lợi ích tổng thể toàn xã hội thì cả Nhà nước, DN và địa phương nơi thực hiện các dự án đầu tư mở rộng này đều có lợi hơn. Để tạo thêm động lực khuyến khích DN tham gia phát triển kinh tế tại các vùng kém phát triển thông qua việc lựa chọn phương thức mở rộng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thì những loại hình đầu tư mở rộng này cũng cần được khuyến khích như dự án đầu tư gắn với thành lập pháp nhân mới.

Từ đó, Ban soạn thảo đề xuất với Quốc hội cho phép dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn mà không hình thành pháp nhân mới cũng được ưu đãi thuế TNDN như trường hợp đầu tư gắn với việc thành lập pháp nhân mới.

Để tránh khả năng lợi dụng chính sách ưu đãi thuế, cần thiết phải quy định cụ thể các điều kiện ràng buộc một cách chặt chẽ như: Dự án đầu tư mở rộng thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế TNDN là dự án hạch toán riêng được thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại và đáp ứng một trong các tiêu chí, ví dụ như: Công suất sau đầu tư tăng trên 30% so với công suất hiện tại; Số vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng (đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi quy định của Luật Thuế TNDN); hoặc số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật Thuế TNDN.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII sẽ thảo luận về những nội dung đề xuất của Chính phủ trình sửa đổi một số nội dung của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN. Hy vọng, các thông tin về định hướng chính sách đang được thể hiện trong nội dung Tờ trình và Dự thảo Luật (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét thông qua để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cộng đồng DN thuộc các thành phần kinh tế. Như một số nhà kinh tế đã bình luận, tuy nội dung sửa không nhiều nhưng đây sẽ là một liều thuốc kích thích DN đẩy mạnh đầu tư vào các vùng khó khăn, cũng như tham gia cùng với Chính phủ giải quyết một số vấn đề xã hội cấp bách, khắc phục tác động không mong đợi phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế./.

Tạp chí Thuế

Sửa đổi Luật Thuế GTGT và TNDN: Ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội(10/11/2009)
 

 

Nhấn vào G+1 nếu thấy thông tin hữu ích với bạn!