Sau hơn 4 năm triển khai thí điểm, Dự án Hiện đại hoá quy trình thu, nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN) giữa cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước và Tài chính đã mang lại những lợi ích không nhỏ cho cả cơ quan quản lý, thu thuế và người nộp thuế.
Người nộp thuế có nhiều lựa chọn
Dự án Hiện đại hóa thu NSNN được tổ chức triển khai thí điểm tại Hải Phòng và Hải Dương từ tháng 9-2007 đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo dự án đã báo cáo Bộ Tài chính triển khai và mở rộng giai đoạn 1, đến cuối tháng 4-2010 đã hoàn thành mở rộng giai đoạn 1 với 252 điểm được triển khai (36 điểm cấp tỉnh và 216 điểm cấp huyện).
Việc triển khai thực hiện dự án đã tạo cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật cần thiết, thúc đẩy xu hướng tổ chức phối hợp thu ngân sách giữa các cơ quan trong ngành Tài chính với các ngân hàng thương mại (NHTM), nhằm phục vụ tốt hơn và tăng thêm nhiều lựa chọn cho người nộp thuế (NNT). Đến nay, các cơ quan trong ngành Tài chính đã tổ chức phối hợp thu với các NHTM tại 15 tỉnh, thành phố với 75 điểm quận, huyện.
Việc triển khai thực hiện dự án chính là hiện đại hóa và cải cách TTHC mang tính đột phá trong lĩnh vực hành thu, tạo thuận lợi cho cả NNT, cơ quan Thuế và KBNN. Trong đó, lợi ích chung là xây dựng, tập trung dữ liệu về thu NS của từng đối tượng nộp thuế; các thông tin, dữ liệu này được chia sẻ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan (Thuế, Hải quan, KBNN, NHTM), tạo điều kiện thống nhất và đối chiếu được nhanh chóng, chính xác về số phải thu, số đã thu, số còn phải thu giữa cơ quan Thuế, Hải quan, KBNN, cơ quan tài chính và đối tượng nộp thuế. Với việc chia sẻ thông tin dữ liệu dùng chung, phân định rõ trách nhiệm của các bên, nên đảm bảo được tính pháp lý của thông tin dữ liệu điện tử (có giá trị pháp lý như việc giao, nhận chứng từ giấy); mặt khác, KBNN sử dụng ngay dữ liệu được truyền từ NHTM về để hạch toán thu NS.
Về phía NNT, quy trình, thủ tục thu, nộp được đơn giản hóa, giảm thiểu thời gian theo nguyên tắc NNT chỉ cần lập 1 liên bảng kê nộp thuế theo mẫu đơn giản, thay vì phải lập 4 liên giấy nộp tiền với nhiều chỉ tiêu phức tạp như hiện nay. NNT chỉ cần đến KBNN hoặc điểm giao dịch của NHTM làm thủ tục nộp tiền; không gian, thời gian thực hiện nghĩa vụ nộp NS của NNT được mở rộng; NNT được nộp NS qua thẻ ATM, dịch vụ ủy nhiệm thu không chờ chấp thuận, bảo lãnh hàng hóa XNK.
Về phía các cơ quan trong ngành Tài chính, thông tin, dữ liệu truyền từ các NHTM về KBNN cơ bản đã đầy đủ, chính xác và khắc phục tình trạng chứng từ thu NS chuyển từ ngân hàng về bị thiếu hoặc sai thông tin. Qua đó, giúp cơ quan thu theo dõi tình trạng thu, nộp và hạch toán thu NS được nhanh chóng, chính xác. Giảm thiểu thời gian, khối lượng nhập liệu tại các cơ quan, đơn vị có liên quan. Theo đó, dữ liệu nhập ở một nơi, được truyền, nhận để sử dụng tại nhiều nơi. Cơ quan Thuế, Hải quan có thể chia sẻ và được cung cấp các thông tin về NNT với KBNN và các NHTM, phục vụ công tác quản lý thu an toàn, hiệu quả; đồng thời, được hỗ trợ trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Cơ quan Hải quan có điều kiện làm thủ tục thông quan hàng hóa XNK kịp thời cho các DN, ngay sau khi các DN thực hiện nghĩa vụ nộp NS tại KBNN hoặc NHTM. Từng bước giảm bớt áp lực về biên chế, kinh phí cho hệ thống KBNN khi phải tổ chức các điểm thu ngoài trụ sở, thu phạt ngoài giờ hành chính. Đặc biệt, sẽ góp phần thực hiện tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới toàn bộ các khoản thu NS đều được nộp bằng chuyển khoản qua ngân hàng.
Vẫn còn những bất cập
Việc triển khai dự án theo mô hình phân tán như hiện nay chưa thực sự hiệu quả so với mô hình tập trung và không thuận lợi cho việc kết nối, trao đổi thông tin với hệ thống NHTM vì, các NHTM đều đã cải cách, hiện đại hóa theo mô hình tập trung. Hơn nữa, do Ngân hàng Nhà nước chưa tham gia vào việc kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu thu NS, nên chưa có sự điều chỉnh chuẩn thông tin của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) phù hợp với chuẩn thông tin của hệ thống thu NSNN. Vì vậy, phần nào gây khó khăn cho các NHTM trong việc truyền, nhận dữ liệu thu NS từ ngân hàng phục vụ NNT về ngân hàng phục vụ KBNN thông qua IBPS.
Ngoài ra, tại một vài địa bàn triển khai, dữ liệu về số phải thu NS do cơ quan thu cung cấp chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời và chính xác, gây khó khăn cho công tác tổ chức thu và đối chiếu số liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan
Ban chỉ đạo dự án đang chuẩn bị báo cáo Bộ Tài chính triển khai giai đoạn 2 theo mô hình xử lý dữ liệu tập trung, chuẩn hóa thông tin, dữ liệu giữa KBNN, Thuế, Hải quan, để tập trung số liệu thu NS, tiết kiệm thời gian, chi phí; mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản trị hệ thống phần mềm thu NS tại KBNN (TCS) cũng như tổ chức phối hợp thu NS với các NHTM. Nghiên cứu hình thành bộ phận quản trị hệ thống TCS với trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng và trang thiết bị kỹ thuật đầy đủ, hiện đại, đảm bảo cho việc tổ chức phối hợp thu NS được vận hành thông suốt và ổn định.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc hệ thống Thuế, Hải quan, KBNN cần quán triệt và phổ biến thông tin để các cấp, ngành có liên quan và mọi cán bộ, công chức trong đơn vị nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của việc triển khai dự án để thống nhất trong nhận thức và hành động; đồng thời, tuyên truyền cho các các cơ quan hữu quan, đặc biệt là HĐND và UBND các cấp, NNT hiểu rõ lợi ích của quy trình thu, nộp mới để tích cực ủng hộ khi triển khai thực hiện.
Hiện tại, dự án đã được triển khai tại 36 tỉnh, thành phố với 216 điểm quận, huyện và đang triển khai tiếp để nâng tổng số điểm sẽ được triển khai đến 31-12-2010 lên 566 điểm (53 điểm cấp tỉnh và 513 điểm cấp huyện).Và sẽ mở rộng phạm vi triển khai dự án đến tất cả các địa bàn quận, huyện trong cả nước, đảm bảo mục tiêu đến giữa năm 2011 sẽ hoàn thành việc triển khai tại tất cả các đơn vị thuộc hệ thống Thuế, Hải quan và KBNN./.
Theo Báo Hải Quan
|